Đọc Hiểu Và Soạn Bài Những Câu Hát Than Thân Sách Ngữ Văn 7

Đọc hiểu và soạn bài Những câu hát than thân giúp các em học sinh lớp 7 hiểu rõ về ý nghĩa của từng bài ca dao. Những câu hát than thân là những câu ca dao thể hiện thế giới tâm hồn vô cùng đa dạng, đó là những lời than thở, những lời than thân trách phận của người phụ nữ, người nông dân thời xưa. Soạn trước bài những câu hát than thân ở nhà giúp các em học sinh có thể hiểu hơn về  những đoạn trích trong tác phẩm, hiểu hơn về các hình ảnh ẩn dụ trong những câu ca dao than thân, trách phận.

Hướng dẫn soạn bài những câu hát than thân

Câu 1. Trong ca dao, người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao để chứng minh điều đó và giải thích vì sao?

Một số bài ca dao, mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của người nông dân xưa:

1.

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi, ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

2.

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

3.

Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?

Cò về đến gốc cây đề

Giương cung anh bắn cò về làm chi

Cò về thăm bác thăm dì

Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông.

4.

Trời mưa

Quả dưa vẹo vọ

Con ốc nằm co

Con tôm đánh đáo

Con cò kiếm ăn.

Những câu ca dao mượn hình  ảnh con cò để diễn tả hình ảnh người nông dân cặm cụi, sớm hôm vất vả làm việc. Hình ảnh các chú cò chăm chỉ, hiền lành kiếm ăn nơi đồng ruộng rất giống với hình ảnh người nông dân Việt Nam.

Câu 2: Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?

Cuộc đời lận đận, vất vả của con cò được diễn tả:

– Hai câu đầu:

Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Bài ca dao thứ nhất, trực tiếp nói về con cò, những từ ngữ được diễn tả như: “lận đận” sử dụng từ láy khiến cho chúng ta hiểu sự vất vả ngược xuôi, không mấy suôn sẻ.

“Lên thác, xuống ghềnh”: Diễn tả sự mẫu thuẫn sự vất vả, khi kiếm ăn. Phải đi hết chỗ này, chỗ nọ không quản mưa nắng, gần xa để kiếm miếng ăn.

Sự đối lập, tương phản giữa một bên là sự bao la rộng lớn của nước non, và một mình bé nhỏ, trơ trọi của hình ảnh con cò khiến cho hình ảnh con cò thêm bé nhỏ, vô định.

– Hai câu tiếp:

Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

Những âm hưởng buồn thương giờ đây đã chuyển sang giọng điệu có chút gì đó chì chiết, oán thán.

Câu hỏi tu từ, kết hợp với phép ẩn dụ ” bể” và “ao” thể hiện sự trách móc ai đó, ai kia làm cho cuộc đời họ khổ sở như vậy.

Ngoài nội dung than tân, bài ca dao này còn ẩn chứa nội dung khác:

Bài ca dao ngoài việc trực tiếp thể hiện hình ảnh con cò, nó còn chứa một ẩn dụ chỉ sự lam lũ, vất vả của người lao động. Cảm nhận được cuộc đời của người lao động bé nhỏ đầy gian chuyên, gian nan thử thách. Họ phải đối diện với vô vàn khó khăn, thử thách đè lên đôi vai bé nhỏ của người lao động. Đây là những lời oán trách của người nông dân nhỏ bé với xã hội bất công, gây ra bao ngang trái cho người lao động. Họ chăm chỉ, làm lụng vất vả như vậy nhưng vẫn khổ, từ đời này sang đời khác.

soạn bài những câu hát than thân

Câu 3: Em hiểu cụm từ “thương thay” như thế nào? Hãy chỉ ra những ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ này trong bài 2?

Thương thay thân phận con tằm

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay con kiến li ti

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

Thương thay hạc lánh đường mây

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Thương thay con quốc giữa trời

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.

Cụm từ “Thương thay” là tiếng than khóc của con tằm, con kiến, con hạc, con quốc.

Thương thay con tằm:  Bị bóc lột sức lao động

Thương thay con kiến:  Bị bóc lột thành quả sức lao động

Thương thay con hạc: Nỗi khổ phải phiêu bạt đây đó để kiếm ăn, phải tha hương, phải đi biền biệt qua ngày này qua ngày khác, không biết khi nào trở về.

Thương thay con quốc: Nỗi khổ của một thân phận thấp cổ bé họng, oan khuất. Dẫu cho có lên tiếng, phản bác lại nhưng vẫn không ai nghe, không ai thấu.

Sự lặp lại của của điệp ngữ “Thương thay” được lặp đi lặp lại 4 lần, tạo nhịp điệu cho bài ca dao, nhịp điệu buồn là sự thương xót, cảm thông của tác giả dân gian, hay của chính người lao động đối với thân phận mình. Khiến cho người đọc vô cùng xót xa, thương cảm sự bất công, khổ sở của người lao động, không có tiếng nói, chỗ đứng trong xã hội.

Câu 4: Phân tích những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2

Hình ảnh ẩn dụ:

Con tằm: Hình ảnh con tằm bé nhỏ, ăn thì không được mấy nhưng phải nằm nhả tơ suốt ngày. Đây chính là sự bóc lột sức lao động của người nông dân nhỏ bé trong xã hội xưa.

Con kiến: Hình ảnh con kiến bé li ti, làm nhiều, ăn ít. Đây chính là sự bóc lột sức lao động của người nông dân

Con hạc: Hình ảnh con hạc nhỏ bé, phải tha hương đi kiếm ăn biền biệt, chẳng biết ngày nào có thể trở về quê hương.

Con quốc: Tượng trưng cho nỗi khổ của 1 thân phận thấp cổ bé họng, oan khuất.

Sử dụng các hình ảnh ẩn dụ và sự miêu tả hình ảnh ẩn dụ và phép nhân hóa tác giả gợi ra nỗi khổ của người lao động,  chịu nhiều bất công ngang trái trong cuộc sống

Câu 5: Em hãy sưu tầm một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em”. Những bài ca dao ấy thường nói về ai, về điều gì, và thường giống nhau như thế nào về nghệ thuật?

 

– Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

– Thân em như giếng giữa đàng,

Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân.

– Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

– Thân em như quế giữa rừng

Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay

………….

Những câu ca dao mở đầu bằng cụm từ ” Thân em” có sử dụng biện pháp so sánh:

Thân em như hạt mưa sa

Thân em như giếng giữa đàng.

Thân em như tấm lụa đào

Âm hưởng của cụm từ ” Thân em” qua các câu ca dao gợi lên cảm giác tội nghiệp,  đáng cảm thông. Chính người phụ nữ tự than thở về số phận của mình, gợi lên sự đồng cảm với người đọc người nghe về sự phụ thuộc, không có tiếng nói trong xã hội xưa.

Câu 6: Bài 3 nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh so sánh ở bài này có gì đặc biệt? Qua đây em thấy cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến như thế nào?

Hình ảnh so sánh ở bài ca dao 3:

Sử dụng hình ảnh trái bần: là loại trái vừa chua, vừa chát, hơn nữa lại bị rụng. Tên quả đồng âm với từ ” bần” để chỉ sự khổ cực, nghèo khó.

Hình ảnh trái bần, trôi nổi bị gió vùi dập: là hình ảnh để chỉ các thế lực đen tối hợp lực vào nhau đè bẹp, nhấn chìm cuộc sống của những con người lương thiện.

Số phận của người phụ nữ mù mịt, tối tăm không biết sẽ như thế nào, phụ thuộc vào người đàn ông. Sự trọng nam khinh nữ khiến cho thân phận của người phụ nữ thời xưa thêm bèo bọt, rẻ rúm và không được coi trọng.

Soạn bài Những câu hát than thân sách giáo khoa ngữ văn lớp 7, để các em học sinh hiểu hơn về nghệ thuật ẩn dụ và so sánh trong 3 bài ca dao. Với việc sử dụng thể thơ lục bát, với âm hưởng buồn man mác. Bài ca cao mượn những hình ảnh gần gũi, quen thuộc để chỉ số phận, cuộc đời của người nông dân lao động, thân phận người phụ nữ bị vùi dập trong xã hội xưa. Chúc các em chăm ngoan học tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *